Quốc phục, ai giữ cho ai?
Từng ngây ngất trong nét đẹp dịu dàng của tà Áo Dài quyến rũ nhà thơ Nguyên Sa phải thốt lên rằng:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”
Trong bài thơ này người thầy nghệ sỹ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần chỉ mỗi câu “Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng” đủ để thấy những tình cảm trân quý mà tác giả dành cho nét đẹp vô hồn đó là bất tận.
Hình ảnh Áo Dài xưa
Từ những dòng thơ ấy! cái đẹp tà Áo Dài lại một lần nữa làm say lòng người nhạc sĩ nổi tiếng Ngô Thụy Miên - bằng chứng là ông đã ngồi xuống chắp bút viết lên bài nhạc quý giá cho đời mà mãi nhiều thế hệ về sau vẫn say sưa trong dòng melody và ý thơ đầy tinh tế đó.
Hay có dịp ngồi ngắm nhìn lại những bức ảnh/thước phim của những tà Áo Dài xưa khiến tôi có được phần nào hiểu về cảm xúc của những người nghệ sỹ tài hoa thuở đó, Ôi! sự rung cảm trong dấu yêu và tự hào về nét đẹp Á Đông nói chung hay Quốc phục Việt Nam nói riêng cứ dồn dập và thăng hoa đến điên dại.
Ngô Thanh Vân trong trang phục đến tởm lợm
Sự độc đáo và quyến rũ mà Áo Dài mang lại chính là hai tà áo nhẹ nhàng mà thoát tục, cái cảm xúc luyến lưu với hình ảnh cô nữ sinh buổi tan trường trong chiếc nón lá cùng tà áo dài lất phất đã là điều khiến trái tim tuổi chớm yêu của tôi không ít lần như ngừng lại, nấc nghẹn và cuồng si. Thêm vào đó là cách thiết kế ôm sát cơ thể người phụ nữ đã vô tình tạo lên những đường cong “chết người” nhưng kín đáo trong hở hang là vậy.
Lại Ca sĩ
Nét đẹp Áo Dài không chỉ dừng lại ở sự hấp dẫn trong thiết kế ôm sát mà nó còn chính là cái đẹp của sự tối giản - không cầu kỳ và không cần lắm hoạ tiết Áo Dài vẫn tạo ra được sự cuốn hút vượt thời gian, không gian. Hàng trăm dân tộc trên thế giới luôn bị sự quyến rũ của Áo Dài hấp dẫn: họ khen, họ mặc, họ trân trọng nó là điều không thể chối cãi được.
Đi suốt hàng trăm năm của sự tiến hóa và phát triển Áo Dài Việt Nam đã để lại cho đời những gì? là những thứ “thanh khiết, dịu dàng” hay là sự “lố lăng, bỡn cợt” thì đó là điều do chính chúng ta “tạo dựng” và “ban phát” cho chúng. Bởi lẽ Áo Dài nó vô tri - vô hồn và vô tội lắm.
Ai dạy cho Ai?
Người ngoại quốc họ sinh ra và lớn lên với quốc gia, quốc phục, sắc phục của họ cũng như chúng ta được sinh và lớn lên trong mấy ngàn năm Văn Hiến và sắc phục truyền thống “Áo Dài”… Vậy nên chuyện chúng ta hiểu được văn hóa và cuộc sống của nước bạn đều do sự phổ biến của họ mà ra. Thực sự nếu một dân tộc không phổ biến rầm rộ hay tôn sùng một điều gì đó thì chắc chắn chúng ta cũng không cho đó là bản sắc hay niềm yêu quý của dân tộc đó. Chúng ta chỉ biết được và thông hiểu nhau qua sự trao đổi văn hóa, việc thu nạp cái này cũng như đào thải cái kia đều là làm theo cảm nhận và mức độ phù hợp với văn hóa của dân tộc mà thôi.
Đẹp gì đây?
Tôi sinh ra ở vùng quê miền Nam - Việt Nam nên những thứ mà tôi được học chính là một đất nước hình chữ S tựa như dáng dấp một người phụ nữ thướt tha, những câu hò giọng ru đã nuôi tôi lớn hay nói đúng hơn tôi trưởng thành trong những sự giáo dục “miệt thị - đòn roi” khi tôi làm trật ý người lớn. Dù đúng dù sai thì đó đều là văn hóa cả. Tôi không hề biết người Nhật họ có món mì Ramen và bộ đồ Kimono cho đến khi tôi được học và được họ truyền tải về nó.
Thậm chí đến những năm 20 tuổi tôi mới hiểu ra được chiếc máy bay do ai chế tạo và nguyên lý hoạt động của nó thế nào, ra sao… Và THẬM CHÍ hiểu luôn rằng những sự giải thích trong sách giáo khoa về máy bay mà tôi được học cũng chỉ là sự mơ hồ và lắm khi là sai trật vì thật sự nếu rõ ràng đến vậy thì vì sao chúng ta chưa tạo nổi ra những chiếc máy bay? và thế giới này chỉ có dăm ba nước là có đủ trình độ để tạo ra chúng mà thôi.
Rồi người mẫu
Nên ta hiểu được rằng sự chia sẻ kiến thức và nguyên lý về chúng đều bắt nguồn từ những quốc gia đã sở hữu công nghệ và trình độ về điều đó, phần chúng ta chỉ được “nghe kể” và tường thuật lại cho nhau mà thôi còn chuyện “đúng - sai” tường tận thế nào thì đó là điều khó mà phán xét được.
Nói vậy để hiểu được rằng “dăng hóa” Áo Dài mà người ngoại quốc đang trình diễn cho dù là lố lăng hay bỡn cợt đến dường nào đi chăng nữa thì đều là do chúng ta đã “dạy” cho họ cả. Hãy nhìn lại những người mẫu - ca sĩ Việt hay thậm chí là những người Việt chúng ta đã và đang làm gì trên Quốc phục của mình?
… đến cả sinh viên
Chúng ta đang chế tạo ra một thời đại “áo dày” hay là đang cách tân “Áo Dài”? Hai chữ “cách tân” đó đang bị lạm dụng và hiểu sai đến lệch lạc. Nên tóm lại chúng ta đang dạy, đang phổ biến cho mọi người những cách ăn mặc “đẹp đẽ” đó… thì hà cớ gì lại trách người không tôn trọng Quốc phục của ta như vậy?
“Tiên trách kỷ - Hậu trách nhân” thôi quý vị ạ.
Ai giữ cho Ai?
Quốc phục là trang phục của một quốc gia nên việc gìn giữ và phát triển nó là chuyện và trách nhiệm của quốc gia đó. Không ai rảnh rỗi cứ hễ sắp khoác một bộ đồ lạ nào lên mình phải bật Google tìm hiểu Quốc phục, văn hóa của nước đó cả. Họ thích gì họ mặc đó, họ tìm thấy những hình ảnh đó trên mạng thì việc họ trang phục cho mình không ai cấm cản được huống hồ ở một thế giới “loạn lạc” về trang phục như bây giờ thì việc “ráp-nối” mà cho là “giao thoa” là điều đang diễn ra hằng ngày và khó kiểm soát được.
Hay người chuyển giới
Mặt khác chúng ta hay nhìn thấy cây chà trong mắt người mà không thấy nổi cây đà trong mắt mình khi mà mình cũng hay đem những Quốc phục, truyền thống của dân tộc khác ra bỡn cợt bông đùa. Đừng tự cho mình cao quý.
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Tôi không bênh vực, cổ xúy cho những người ngoại quốc đang vô tình hay cố ý phá hoại văn hóa và Quốc phục của Việt Nam vì lẽ họ chỉ là thiểu số và không đại diện cho quốc gia hay dân tộc Việt Nam được, mà hãy nhìn vào những người VIệt đang báng bổ và làm băng hoại văn hóa Việt mới là điều đáng nói. Những người đang sống một cuộc sống của công chúng và ít nhiều họ đang đại điện cho cái nhìn về Việt Nam lại có những phát ngôn ngu xuẩn và ăn mặc tởm lợm thì họ có tư cách gì để đi dạy người ngoại quốc về Văn hóa của nước Việt nhỉ?
Ảnh thường ngày của học sinh Việt Nam
Ảnh thường ngày của học sinh Việt Nam
Nhiều trường phổ thông muốn bỏ trang phục Áo Dài của nữ sinh chỉ vì lý do tốn kém, rườm rà và khó sinh hoạt. Đây thực sự cũng là một điều đáng tiếc vì lẽ một số em vùng xa hay vùng lạnh khi diện bộ Áo Dài đúng là cũng lắm “bất tiện” thật. Nhưng điều đó không nên xảy ra ở những nơi đủ điều kiện và đáng phải gìn giữ. Tôi biết có những nơi công ty tư nhân thôi họ vẫn khuyến khích nhân viên mình diện bộ áo dài vào ngày cuối tuần quý vị ạ dù không là nhất thiết phải bận nhưng ai nấy đều phấn khởi lắm, vì niềm tự hào và vì chúng ta là người Việt…
Nếu có dịp sống xa quê hương bạn mới cảm nhận được sự thiêng liêng của Áo Dài và tình cảm quý mến mà mọi người dành cho nó, không chỉ có người Việt xa xứ thôi mà ngay cả người ngoại quốc họ cũng muốn được thấy mình trong bộ trang phục rất Việt đó. Người Việt tại hải ngoại luôn diện Áo Dài trong mọi sự kiện và không quên dạy con cháu mình gìn giữ nét đẹp truyền thống của ông cha. Thôi thì bỏ qua cái bọn Showbiz rẻ tiền đó đi hãy gìn giữ những điều đáng giữ đừng học đòi theo những “sáng tạo” kém cỏi của họ. “Nói ra sợ mất lòng em, Van em em hãy giữ nguyên quê mùa” em nhé!
Tôi lại chợt nhớ vài câu của Vũ Thành An:
Đếm cho em giây phút mặn nồng
Giữ cho em mái tóc bồng
Lời anh nói sẽ còn mãi đấy
Chuyện mai sau xin gửi trên tay
Giữ cho em mái tóc bồng
Lời anh nói sẽ còn mãi đấy
Chuyện mai sau xin gửi trên tay
Chuyện Áo Dài là chuyện trên tay người Việt mình vậy!